Những Sai Lầm Thường Gặp Khi Dùng Kem Chống Nắng

13/07/2015 0 Ý kiến

Hôm nay bọn tớ xin chia sẻ những lỗi lẫm thường gặp nhất khi sử dụng kem chống nắng. Chúng ta học nhanh nhất qua việc rút kinh nghiệm từ các lỗi lầm của người khác mà.

 
 
1. Không dùng kem chống nắng hàng ngày
Kem chống nắng chỉ dành cho những ai đi biển, chơi thể thao nhiều tiếng đồng hồ ngoài trời, hoặc đơn giản là không thích đen da? Đây là một quan niệm sai lầm hết sức ạ. Không một bác sĩ và chuyên gia trang điểm nào, thậm chí cả những beauty blogger không chuyên như chúng tớ là không ám ảnh về kem chống nắng. Chống nắng không phải là chống chọi với sự khắc nghiệt và nóng bỏng của cái nắng, mà thật ra là chống chọi với những tia cực tím vô hình nhưng cực kì nguy hiểm trong đó: tia UVA (là thủ phạm chính khiến da lão hoá, nhăn nheo, lại còn làm da tối màu đi nữa) tia UVB (chuyên gây cháy nắng, bỏng rát, nguy hiểm nhất là ung thư da sau này). Đáng buồn là những tia này luôn rình rập bủa vây kể cả khi trời không nắng, khi bạn ngồi cạnh cửa sổ nơi văn phòng, khi bạn ung dung trong xe taxi, xe buýt; thậm chí cả khi bạn đã che phủ triệt để từ đầu đến chân với áo chống nắng, găng tay và nhiều dụng cụ khó hiểu mà chỉ ở châu Á mới có nữa. 
 
Một lần nữa, tớ không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của kem chống nắng. Từ ngày học cấp 3 đến giờ tớ đã có thói quen chống nắng rồi. Và đến tận hôm nay tớ vẫn chăm chỉ bôi kem chống nắng 365 ngày/ năm. Trước khi ra đường có thể quên kẻ mắt tô son, nhưng xin chớ quên chống nắng!
 
 

2. Không phân loại đúng kem chống nắng

Ngày trước ở Mỹ Kem chống nắng hoá học được ghi là sunscreen còn kem chống nắng vật lý thường có ghi sunblock, nhưng vào thời điểm hiện tại FDA đã quy định tất cả kem chống nắng đều phải ghi là sunscreen nhé. Vì vậy cách duy nhất để phân biệt được 2 loại này là nhìn vào thành phần cả nhà ạ :(

- Kem chống nắng HOÁ HỌC chứa avobenzen, octinoxate, oxybenzone...
- Kem chống nắng VẬT LÝ chứa titanium dioxide, zinc dioxide...
 

3. Không bôi kem đúng trình tự

Kem chống nắng hoá học (chứa avobenzen, octinoxate, oxybenzone) cần tiếp xúc trực tiếp với da thì mới phát huy tác dụng. Kem chống nắng vật lý (titanium dioxide, zinc dioxide) thì đơn giản hơn, vì nó phát huy tác dụng ngay lúc bạn bôi, nên không quan trọng bạn apply lúc nào (miễn là trước khi ra khỏi nhà, tất nhiên rồi). Mỗi người có một ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng tớ thấy lời khuyên phổ biến nhất và hiệu quả với tớ nhất là bôi kem chống nắng sau tất cả các bước chăm sóc da. Cô Paula Begoun và các cộng sự ở Paula’s Choice đều thống nhất là tất cả các sản phẩm skincare bôi sau kem chống nắng sẽ ít nhiều làm giảm hiệu quả của kem ngay tức thì. Nhớ nhé, chống nắng sau bước cuối cùng trong skincare và trước bước đầu tiên trong makeup!
 
Ngoài ra tớ thấy hầu hết các loại kem chống nắng đều có chất dưỡng ẩm, nên nhiều khi vào mùa hè đối với 1 số kem chống nắng nhất định tớ có thể bỏ luôn bước dưỡng ẩm trước khi chống nắng. Tớ thấy làm thế này kem khô nhanh ơi là nhanh, mà da có điều kiện được thở nữa.
 
4. Không kiên nhẫn chờ kem phát huy tác dụng
Đừng quên bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài 20 phút để kem có điều kiện thẩm thấu vào da. Mọi người thường bảo kem chống nắng hoá học thì mới phải như vậy, kem chống nắng vật lý thì hoạt động ngay tức thì nên bôi xong là có thể chạy đi chơi luôn. Nhưng tớ thấy là kem chống nắng vật lý thì hay dày hơn nên đằng nào cũng phải đợi một lúc mới thấm vào da và mới trang điểm được. Vì thế dù là kem gì tớ vẫn luôn kiên trì đợi 20 phút rồi mới dám ra đường.
 
Ah thế còn khoảng thời gian giữa kem chống nắng và makeup thì sao? Sau khi bôi kem chống nắng tớ thường chờ 3-5 phút để kem thấm thấm vào da rồi mới bắt đầu makeup. 
 
5. Không bôi đủ liều lượng
Hãy tưởng tượng kem chống nắng là chiến binh bảo vệ cho da bạn nhé, mà một khi đã mang trọng trách bảo vệ lớn lao thì cần phải đủ đô, đủ lực lượng, sức mạnh. Nhiều đứa bạn thân đã ca cẩm với tớ: tại sao tao cũng bôi kem chống nắng  chăm chỉ mà da vẫn cứ đen dần đều? Nguyên do chính của chúng nó là chưa bôi đủ liều lượng ạ. Bạn có thể tiết kiệm kem nền, kem dưỡng đắt tiền, nhưng với kem chống nắng thì đừng bao giờ ki kiệt ạ. Để bôi được nhiều kem chống nắng mà không bị bí bách và sốt ruột thì tớ thay vì quệt cả vốc lên mặt, tớ hay bôi làm 2-3 lớp mỏng, lớp này chồng lên lớp kia. Tớ bôi nhiều hơn tẹo ở phần má vì phần này da mỏng, lại có diện tích lớn nên dễ sinh nám và tàn nhang khi bị phơi nắng nhất!
 
Cho mặt, bạn cần một liều lượng bằng 1,25 ml  hoặc 1/4 teaspoon (xem hình)
Cho mặt và cổ, bạn cần liều lượng bằng 2.5  ml  hoặc 1/2 teaspoon (gấp đôi ở trên)
Cho toàn thân, bạn cần liều lượng 1oz- 28ml -  1 shot glass uống rượu hoặc một quả bóng gôn

 

 
 
6. Chỉ bôi mỗi mặt
Đừng quên cái cổ khi bôi kem chống nắng nhé. Lỗi này thì tớ đã mắc phải trong một thời gian khá dài suốt từ lớp 10 đến lớp 12, thành ra bây giờ mặt thì sáng sủa còn cổ thì đen xì xì, không hề quyến rũ chút nào :( Bây giờ mới để ý là ở phụ nữ có tuổi, vùng da cổ bị chảy xệ rất nhanh, thảo nào người ta bảo sau mắt thì cổ và da tay nơi bộc lộ lão hoá rõ ràng nhất của người phụ nữ. Không có gì cao siêu cả, chỉ là bảo vệ vùng da cổ và giữ cho mặt và cổ luôn được đồng màu thôi, các bạn đừng quên nhé!
 
Ngoài ra, ngay trên khuôn mặt có một phần cũng rất cần được chống nắng mà chúng mình thường quên mất: chính là đôi môi! Bạn có bao giờ thắc mắc "Môi tớ thâm quá, chắc tại dùng son nhiều chì nên bị như vậy!" Đừng trách nhầm các em son môi tội nghiệp. Trong tất cả các thỏi son từ drugstore cho đến highend, loại nào cũng có chì cả, nhưng tất cả đều nằm trong một lượng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe hết, FDA đã khẳng định rồi :) Còn việc môi chúng mình bị thâm, tối màu là do đâu? Đừng quên thủ phạm làm sạm, tối, đổi màu của da không đâu khác chính là do các tia UV nguy hiểm của ánh nắng mặt trời đấy (chưa kể môi còn là phần rất nhạy cảm và bắt nắng nữa). Và những tia này hoàn toàn có thể xuyên thấu qua cả khẩu trang và một số loại vải cơ bản cơ. Vậy nếu bạn đã từng thắc mắc thế này, hãy tìm mua cho mình 1 thỏi lip balm có SPF (Blistex, Nivea, Carmex đều có những sự lựa chọn rẻ và hiệu quả vô cùng).
 
7. Cậy ở trong nhà mà không bôi kem chống nắng
Bạn đừng nghĩ rằng ở trong nhà, trong văn phòng, trong ô tô mà mưa không đến mặt, nắng không đến đầu nhé. Cửa kính ô tô, cửa sổ gia đình, cửa sổ văn phòng thông thường chỉ có thể chặn được tia UVB chứ không chặn được tia UVA đâu í. Vì vậy trừ khi bạn làm việc trong một cao ốc đắt tiền có trang bị các tấm rèm chống tia cực tím, hoặc ở trong những chiếc xe hơi xa hoa có màn chắn UV, hãy tránh xa các loại cửa sổ và vẫn nhớ là phải bôi kem chống nắng! Hehe chỉ cần bạn google 5 giây với từ khoá "Phạm Băng Băng dưỡng da như thế nào", bạn sẽ thấy cô ấy chia sẻ mình luôn luôn luôn luôn luôn bôi kem chống nắng ngay cả khi ở nhà đọc sách, xem tivi, ngồi máy tính. Cái này tớ xin lỗi chứ tớ chịu ko làm được đâu, nhưng biết thì cũng tốt :))
 
8. Quá tin tưởng vào khả năng chống thấm nước của kem chống nắng
Rất nhiều kem chống nắng đi biển có ghi waterproof hoặc water resistant. Đúng thế bạn cần những tiêu chí này để mua kem chống nắng khi đi du lịch, nhưng đừng phụ thuộc hoàn toàn vào chúng mà thoả sức vui đùa. Nếu bạn ra mồ hôi quá nhiều, bơi lội hoặc bất cứ hình thức nào có khả năng làm trôi kem chống nắng thì hãy nhớ phải bôi lại kem chống nắng, bất chấp chỉ số SPF của nó trên bao bì. Thường các hãng sẽ ghi rõ kem chống nắng của họ có thời gian hiệu nghiệm bao lâu ngay trên nhãn mác và họ không lừa bạn đâu ạ!
 
Đại loại là:
Nếu kem có ghi “very water resistant”, bạn có tầm 80 phút bảo vệ trong điều kiện ra mồ hôi hoặc bơi lội.
Nếu kem có ghi “water resistant”, bạn chỉ có tầm 40 phút bảo vệ sau khi đã làm ướt người mà thôi, tích tắc tích tắc... 
 

 

9. Mua kem chống nắng với SPF cao nhất có thể

Nhân tiện nói đến chỉ số SPF, một trong những câu hỏi tớ hay gặp nhất là SPF tầm bao nhiêu thì đủ. Hầu hết các chuyên gia về da đều khuyên là nên dùng kem chống nắng với SPF 30 trở lên. Chẳng có một quy tắc chìa khoá hay chỉ số vàng nào quy định con số chính xác, nhưng có một mệnh đề đã được chứng minh: SPF 60 không có nghĩa là tốt gấp đôi hoặc kéo dài thời gian phơi nắng gấp đôi so với SPF 30.

Ngoài ra, SPF không phải là cấp số cộng. Có nghĩa là bôi kem chống nắng SPF 30 và thêm kem nền SPF 15 KHÔNG có nghĩa bạn được bảo vệ với SPF 45. Khi bạn sử dụng kem chống nắng đủ lượng thì SPF 30 đã chặn được 96% các tia UVB có hại rồi. Qua quãng đó thì khi bạn tăng chỉ số SPF, hầu như cũng không thấy nhiều khác biệt lắm (SPF 50 thì chặn được 98% còn SPF 75 thì chặn được 99%). Có một điều chắc chắn là chỉ số có cao đến đâu cũng không chặn được cả 100%.

 

 

10. Bôi mỗi buổi sáng rồi quên bẵng đi
Không nghi ngại gì nữa, đây là lỗi phổ biến nhất. Thực tế là sau một thời gian, các nguyên liệu trong kem phát huy khả năng và mất dần tác dụng, lại còn bị mồ hôi, dầu nước và mĩ phẩm cuốn đi từ từ. Các bác sĩ khuyên rằng nhất định phải bôi lại kem chống nắng liên tục sau mỗi 2-3h, nếu không tác dụng chống nắng sẽ về mo ạ. Tuy nhiên tớ thấy rằng trong một ngày làm việc bình thường, bao gồm đi từ nhà đến chỗ làm, từ chỗ làm về nhà và một đoạn ngắn trong giờ nghỉ trưa, một lượng kem chống nắng đầy đủ được bôi từ sáng là vẫn đủ sức mạnh ạ. Nên nhớ chỉ số SPF của kem chống nắng không phụ thuộc vào thời gian tính từ lúc bôi, mà là thời gian da bị tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nhé.

 

TÓM LẠI
Tóm lại, kem chống nắng đúng là một chủ đề đau đầu và mệt mỏi. Dù không thể chia sẻ tất cả những kiến thức về kem chống nắng trong một bài viết nhỏ này, nhưng tớ mong mọi người khắc cốt lưu tâm nhé:
- Chọn kem chống nắng có SPF 30 trở lên, broad spectrum hoặc PA +++/ ++++
- Bôi một lượng bằng 1/4 tsp hoặc 1 đồng xu đường kính 2cm
- Bôi lại sau mỗi 40- 80 phút ra mồ hơi nhiều hoặc bơi lội
- Bôi lại sau mỗi 2 tiếng tiếp xúc trực tiếp và liên tục với ánh nắng
- Không cần bôi lại đâu nếu ngồi ở trong lớp/ trong văn phòng từ 9h sáng đến 4h chiều

Ý kiến của bạn

Facebook Hotline Zalo
Dùng bản Mobile
Mới